Cổng thông tin điện tử huyện Hậu Lộc
Cổng thông tin điện tử huyện Hậu Lộc
Về thăm Khu di tích đền Bà Triệu

Cùng với Thành Nhà Hồ, khu di tích Lam Kinh... Khu di tích lịch sử kiến trúc nghệ thuật đền Bà Triệu là một trong những điểm nhấn tham quan, du lịch đậm đặc giá trị hấp dẫn của xứ Thanh. Nơi đây có ngôi đền thờ Bà Triệu án ngữ dưới chân núi Gai được tôn tạo theo kiến trúc xưa cũ; có đình làng Phú Điền; khu lăng mộ Bà Triệu trên đỉnh núi Tùng; mộ ba ông tướng họ Lý; miếu Bàn Thề; đền Đệ Tứ... với những dấu tích, truyền thuyết gắn liền cuộc khởi nghĩa hào hùng chống giặc Ngô xâm lược phương bắc do vị vua Bà khởi xướng.

       Năm 2014 Khu di tích lịch sử văn hóa kiến trúc nghệ thuật đền Bà Triệu được công nhận di tích quốc gia đặc biệt. Đây được coi là sự kiện đặc biệt khẳng định giá trị văn hóa lịch sử đậm đặc, trường tồn của di tích.

       Nếu đến nơi đây lần đầu, chẳng thể giấu được cảm xúc ngạc nhiên. Là bởi, dù nằm ngay bên đường quốc lộ sầm uất, song không gian di tích lại vô cùng đặc biệt. Tĩnh lặng, trầm mặc và thâm u. Án ngữ dưới chân núi Gai (làng Phú Điền, xã Triệu Lộc) đền Bà Triệu như nằm khuất lấp giữa bốn bề cây rừng. Đứng ở nơi này, trong tiếng lá, gió của cây rừng ta nghe như âm vang, lời hiệu triệu và khí thế hừng hực của trăm, ngàn nghĩa sĩ hơn 1.700 năm về trước dưới sự lãnh đạo của vị nữ vương Triệu Thị Trinh đã đồng tâm một lòng diệt giặc xâm lược.

       Thời gian thấm thoát thoi đưa, cuộc khởi nghĩa như chỉ mới đây, sử sách còn lưu, truyền thuyết dân gian vẫn kể như một dấu son trong lịch sử 4.000 năm dựng nước, giữ nước của dân tộc ta. Trong suốt chiều dài ghi tên mình trên bản đồ năm châu của thế giới, làm sao nhớ hết những cuộc binh biến, chiến chinh bảo vệ Tổ quốc của nhân dân ta. Và cuộc khởi nghĩa Bà Triệu còn được ngưỡng vọng, ghi nhớ còn vì lẽ khác. Bủa vây trong lề thói, định kiến “trọng nam khinh nữ” vẫn tồn tại trong xã hội phong kiến xưa kia, vậy nhưng Bà Triệu với khí chất, sức mạnh và tài năng của mình đã kiên dũng khiến giặc Đông Ngô khiếp sợ. Để rồi cuối cùng, để đối phó với vị nữ chủ tướng, kẻ thù đã phải dùng đến những mưu hèn kế bẩn mà lịch sử chẳng tiện gọi tên.

       Tưởng nhớ công ơn của vị nữ chủ tướng, nhân dân Thanh Hóa nói chung và người làng Phú Điền nói riêng đã lập đền thờ Bà Triệu dưới chân núi Gai - nơi diễn ra cuộc khởi nghĩa. Qua thời gian, với nhiều lần trùng tu đến nay đền Bà Triệu mang vẻ đẹp của một di tích với dấu ấn kiến trúc mang phong cách triều Lê - Nguyễn. Với từng nét hoa văn chạm trổ tinh tế, tỉ mẩn của người nghệ nhân xưa và nay đã xây dựng và bảo tồn, tạo nên một công trình lịch sử, kiến trúc nghệ thuật đậm đặc giá trị. Kiến trúc độc đáo, phối hợp với cảnh quan thiên nhiên của núi Gai... đã tạo nên không gian lịch sử ấn tượng du khách tham quan.

Khu lăng mộ Bà Triệu trên đỉnh núi Tùng và mộ 3 ông tướng họ Lý.

       Cách đền Bà Triệu khoảng cách chưa đầy 500m là núi Tùng, nơi có khu lăng mộ Bà Triệu và ba ông tướng họ Lý. Nói về ba ông tướng họ Lý, thần tích và truyền thuyết dân gian kể lại, họ là ba anh em trong một gia đình thi thư tại trang Bồ Điền xưa. Ngay từ nhỏ, cả ba người họ đều chăm chỉ đọc sách, yêu thích luyện tập cung kiếm, rèn luyện bản thân. Khi Bà Triệu dấy binh khởi nghĩa ra chiếu hịch, chiêu mộ binh sĩ, cùng chung ý chí căm thù giặc Ngô, cả ba anh em họ Lý đã một lòng đi theo vị nữ chủ tướng, tạo nên khí thế chẻ tre khiến kẻ thù bao phen lao đao, kinh hãi. Tuy nhiên, vì phẫn uất trước những thủ đoạn đê hèn của kẻ thù, Bà Triệu đã tự vẫn trên đỉnh núi Tùng. Sau khi tìm thấy thi thể vị nữ chủ tướng trên đỉnh núi, ba anh em họ Lý đã đắp mộ chu toàn cho Bà ngay trên đỉnh núi. Và dân gian cho rằng, ba chữ Hán cổ “Phúc thần mộ” được khắc sơ sài trên phiến đá bên khu mộ Bà Triệu cũng là chứng tích do ba ông tướng để lại.

       Sau khi Bà Triệu quyên sinh không lâu, ngày 6/3, dưới chân núi Tùng quân sĩ và nhân dân trong vùng tìm thấy thi thể của ba anh em họ Lý. Cảm động trước tấm lòng trung quân của ba vị tướng tài, hậu thế đã đắp mộ cho ba ông và dân gian vẫn thường gọi là mộ ba ông tướng họ Lý. Trong câu chuyện kể cho cháu con nghe, các vị cao niên trong làng vẫn dặn dò: Trên đỉnh núi Tùng là lăng mộ Bà Triệu được ba ông tướng họ Lý canh gác yên nghỉ thiên thu. Còn mộ ba ông đã có nhân dân muôn đời gìn giữ!

       Ngày nay, án ngữ dưới chân núi Tùng là mộ ba ông tướng được trùng tu, trông coi cẩn thận. Lần theo những bậc thềm đá rêu phong phủ lối, ta như thêm một lần nữa nghe âm vang xa vọng từ cuộc chiến năm nào. Để thêm tự hào về khí chất của đấng tiền nhân. Trên đỉnh núi Tùng, lăng mộ Bà Triệu được trùng tu, tôn tạo trang nghiêm. Từ nơi yên nghỉ của người xưa nhìn xuống phía dưới, tất cả mênh mông, rộng lớn được thu vào tầm mắt. Những rừng trẩu, sở xanh mướt mắt xen lẫn với vườn vải, nhãn, quất hồng bì trái chín căng mọng sum xuê, đâu đó có những đồi chè xanh lá quanh năm, ngon nức tiếng một vùng...

                                          Đình làng Phú Điền, 

       Nằm trong Khu di tích đền Bà Triệu còn có đình làng Phú Điền, công trình kiến trúc gỗ cổ đặc trưng độc đáo, nhiều giá trị do đôi bàn tay người xưa để lại. Tại nơi này, Bà Triệu được nhân dân địa phương suy tôn là Thành hoàng làng, muôn đời thờ phụng.

       Đình làng Phú Điền uy nghi, rộng lớn với rất nhiều cột gỗ chống đình vững chãi trăm năm. Điểm nhấn cùng những hoa văn chạm trổ tùng, cúc, trúc, mai tinh tế. Nhìn vào những đường nét sống động, nhiều người tự hỏi phải chăng người xưa đã dồn hết những tâm huyết, tài năng của mình vào đó. Để giờ đây, hậu thế được chiêm ngưỡng những tuyệt tác nghệ thuật đúng nghĩa. Được biết, đình làng Phú Điền cũng mang đặc trưng của kiến trúc thời Nguyễn. Đình là tài sản truyền đời, không gian sinh hoạt truyền thống của người dân địa phương. Và Đình làng Phú Điền ngày nay còn lưu giữ nhiều sắc phong quý qua các triều đại vua.

       Ngoài các địa điểm kể trên, Khu di tích đền Bà Triệu hiện còn dấu tích miếu Bàn Thề, nơi Bà Triệu và các nghĩa sĩ cùng chung chí hướng, nguyện lập lời thề giết giặc; hay đền Đệ tứ với vị thần hiển thánh nhiều lần giúp nghĩa quân Bà Triệu chiến thắng kẻ thù...

       Toàn cảnh khu di tích, mỗi di tích đều mang trong mình những dấu tích, câu chuyện kể về một sự kiện oai hùng trong lịch sử. Câu chuyện ấy, giữa bốn bề núi rừng có hình ảnh vị vua Bà cưỡi voi, diệt giặc, để lại sự ngưỡng vọng cho đời.

Nguyễn Đoan (st)

 

TRANG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ XÃ TRIỆU LỘC - HUYỆN HẬU LỘC

Chịu trách nhiệm: LÊ VĂN BÌNH - CHỦ TỊCH UBND XÃ TRIỆU LỘC

Địa chỉ: Xã Triệu Lộc, Huyện Hậu Lộc, Tỉnh Thanh Hóa

Số điện thoại: 0942816216 - Email: trieuloc.hauloc@thanhhoa.gov.vn

Website được thiết kế bởi Trung tâm Công nghệ thông tin và truyền thông Thanh Hóa